Love means never say you be sorry...

21.6.12

Sếp (1)



Nghe kể rằng, thời xa xưa, có một bộ lạc thổ dân da đỏ có một cách đốn ngã những cây rừng khổng lồ theo một cách rất đặc biệt – không phải bằng rựa, bằng dao. Họ thường tụ tập thành một đám đông quanh gốc cây, ném đá vào nó, nguyền rủa nó, mắng chửi nó như thể sự tồn tại của nó thực sự vô nghĩa và mang đến nỗi phiền cho (quá nhiều) người khác. Và như thế, cái cây sẽ héo mòn, và chết.

Cũng nghe kể rằng, bí quyết của những người giỏi trồng trọt là họ thường chuyện trò với cỏ cây trong quá trình chăm sóc chúng. Họ nói với chúng rằng họ mong chúng lớn đến thế nào, họ hạnh phúc khi nhìn thấy chúng trổ hoa và kết trái ra sao… Và thế là gục gặc theo gió, chúng đã vươn lên tươi đẹp hơn họ có thể nghĩ, thậm chí chính chúng có thể ”nghĩ”!

Mọi sự sống trên đời đều cần có ý nghĩa theo một cách nào đó. Khích lệ hay chà đạp đều có thể là khởi đầu của sự hồi sinh hay hủy diệt.

-----------
 
Trong công việc, tôi đã từng bị hủy diệt. Và tôi đã từng được hồi sinh.

Tôi vừa tình cờ một cách xui xẻo khi gặp lại cô sếp cũ – vị sếp đầu tiên khi tôi vừa bước chân ra đời. Cô tuy không cao to vạm vỡ, nhưng cô có một sức mạnh kinh hồn khi suýt nữa thì thổi bay ước mơ, hi vọng và lẽ sống của tôi vào một thời điểm nhất định.

Ngày đó sau hai năm cãi cha mẹ học ngành mình yêu thích, cùng với thời gian vác ba lô đi bụi vòng quanh, máu tự tin và hứng khởi chảy rần rần trong người, tôi nhảy chồm vào đội hình của cô nhanh và bất cẩn đến mức, chỉ một tháng sau, tôi ngã sóng soài, tưởng không đứng dậy được nữa…

Tôi không nhớ nhiều về nơi làm việc, nhưng trong đầu tôi những ám ảnh về các gương mặt trong đấy thì không thể xóa nhòa, nhất là cô. 

Lúc đó cô mang bầu vượt mặt. Tôi nghe mẹ bảo các bà bầu nên là những người dễ thương nhất để cho con mình thấm cái nết hiền dịu. Nhưng tôi cá là tôi đã gặp một bà bầu xấu xí nhất, cả trong ánh nhìn, lời nói và cách cư xử. Cô như một diễn viên trên sân khấu, vừa chửi sa sả đội ngũ nhân công cấp dưới xong thì nửa giây sau đã đon đả õng ẹo qua điện thoại với khách hàng. Vừa mắng nhân viên đầy nanh nọc hết câu thì quay ra nịnh nọt vuốt đuôi không tiếc sức lão sếp người Pháp bủn xỉn bụng và mặt đầy mỡ. Gương mặt và lời nói của cô luôn là thứ cuối cùng và trước tiên xuất hiện trong đầu tôi khi tôi đi ngủ trong mệt nhọc và thức dậy cũng mệt nhọc không kém. Đến mức, mỗi sáng, tôi chỉ ước mình không phải thức dậy, để phải thấy tôi và cô cùng hiện diện trong một căn phòng.

Công việc của cô mỗi ngày là đưa ra những thông điệp mâu thuẫn nhau đầy tính chất áp đặt, để rồi nhảy xổ vào soi lỗi, để giáo huấn, để lên mặt, để trút những cơn giận vô lý sinh ra từ hóc môn của một bà bầu khó ở. Cô khiến tôi thấy mình tệ hại, vô dụng và phiền nhiễu. Sau này tôi mới biết, đã có hàng chục đứa ra vào vị trí của tôi chỉ một thời gian ngắn khi cô có thai và chưa chịu đẻ.

Bi kịch của bi kịch là trợ lý của cô cũng là một cô bụng chửa khó tính. Họ như sinh ra để làm cùng nhau, để nếu có bị ghét cũng bị ghét có đôi. Ngoài ra, cô có ba đệ tử. Họ mang ba khuôn mặt khác nhau: một là vuốt đuôi nịnh bợ rồi sau lưng nghiến răng ken két, hai là bơ mặt nghe chửi quanh năm, ba là bàng quang trước mọi sự kiện. Tôi thấy cô độc và ngột ngạt khi phải thở chung bầu không khí với những thể loại ấy.

Có lần cô đãi cả phòng đi ăn ở một nhà hàng xịn nhất sài gòn. Bữa ăn cho mười người  mà giá cỡ chừng hai tháng lương của tôi. Người ta nói bào ngư ngon nhứt thế giới, mà lúc đó tôi thấy như mình nhai phải cao su. Cô ngồi đấy tươm tướp nói cười, kiểu độc thoại. Những lần tiếp khách chán ngắt nhất tôi từng trải qua sau này cũng không sánh bằng sự tẻ nhạt của buổi cơm hôm ấy.

Tôi đã nghỉ ngang. Đã bỏ một công việc bao người mơ ước trong một nốt nhạc – cái khoảnh khắc mà trong tôi không còn tế bào nào chịu được sự hiện diện của cô trước mặt mình thêm phút giây nào nữa.

Ngày rời chỗ làm, tôi thấy như vừa bước ra khỏi một cơn ác mộng. Chức năng chính của ác mộng là làm người ta kiệt sức, sợ hãi, và mất phương hướng.

Tôi đã mất một khoảng thời gian để tìm lại cảm giác muốn theo đuổi nghề đã lựa chọn. Dù thỉnh thoảng, ám ảnh về cô có làm tôi chùng bước…

Hôm rồi vô tình nhìn lại ảnh cô, ký (uất) ức lại ùa về, vẹn nguyên. Vết thương của sự hủy diệt đã 7 năm rồi bỗng rát buốt như mới hôm qua.

Cô người Hoa, họ Ôn. Tôi đặt cho cô tên khác với tên ba má cô đặt. Tên Dịch.

Thành công sau này trong nghề của tôi nhất định không thể phủ nhận công lao của Ôn tiểu thơ. Tôi chỉ muốn phủ nhận lại sự chà đạp của cô thưở nào bằng sự cố gắng không mệt mỏi. Thực tế chứng minh, cô sai rồi.