Love means never say you be sorry...

21.6.12

Sếp (1)



Nghe kể rằng, thời xa xưa, có một bộ lạc thổ dân da đỏ có một cách đốn ngã những cây rừng khổng lồ theo một cách rất đặc biệt – không phải bằng rựa, bằng dao. Họ thường tụ tập thành một đám đông quanh gốc cây, ném đá vào nó, nguyền rủa nó, mắng chửi nó như thể sự tồn tại của nó thực sự vô nghĩa và mang đến nỗi phiền cho (quá nhiều) người khác. Và như thế, cái cây sẽ héo mòn, và chết.

Cũng nghe kể rằng, bí quyết của những người giỏi trồng trọt là họ thường chuyện trò với cỏ cây trong quá trình chăm sóc chúng. Họ nói với chúng rằng họ mong chúng lớn đến thế nào, họ hạnh phúc khi nhìn thấy chúng trổ hoa và kết trái ra sao… Và thế là gục gặc theo gió, chúng đã vươn lên tươi đẹp hơn họ có thể nghĩ, thậm chí chính chúng có thể ”nghĩ”!

Mọi sự sống trên đời đều cần có ý nghĩa theo một cách nào đó. Khích lệ hay chà đạp đều có thể là khởi đầu của sự hồi sinh hay hủy diệt.

-----------
 
Trong công việc, tôi đã từng bị hủy diệt. Và tôi đã từng được hồi sinh.

Tôi vừa tình cờ một cách xui xẻo khi gặp lại cô sếp cũ – vị sếp đầu tiên khi tôi vừa bước chân ra đời. Cô tuy không cao to vạm vỡ, nhưng cô có một sức mạnh kinh hồn khi suýt nữa thì thổi bay ước mơ, hi vọng và lẽ sống của tôi vào một thời điểm nhất định.

Ngày đó sau hai năm cãi cha mẹ học ngành mình yêu thích, cùng với thời gian vác ba lô đi bụi vòng quanh, máu tự tin và hứng khởi chảy rần rần trong người, tôi nhảy chồm vào đội hình của cô nhanh và bất cẩn đến mức, chỉ một tháng sau, tôi ngã sóng soài, tưởng không đứng dậy được nữa…

Tôi không nhớ nhiều về nơi làm việc, nhưng trong đầu tôi những ám ảnh về các gương mặt trong đấy thì không thể xóa nhòa, nhất là cô. 

Lúc đó cô mang bầu vượt mặt. Tôi nghe mẹ bảo các bà bầu nên là những người dễ thương nhất để cho con mình thấm cái nết hiền dịu. Nhưng tôi cá là tôi đã gặp một bà bầu xấu xí nhất, cả trong ánh nhìn, lời nói và cách cư xử. Cô như một diễn viên trên sân khấu, vừa chửi sa sả đội ngũ nhân công cấp dưới xong thì nửa giây sau đã đon đả õng ẹo qua điện thoại với khách hàng. Vừa mắng nhân viên đầy nanh nọc hết câu thì quay ra nịnh nọt vuốt đuôi không tiếc sức lão sếp người Pháp bủn xỉn bụng và mặt đầy mỡ. Gương mặt và lời nói của cô luôn là thứ cuối cùng và trước tiên xuất hiện trong đầu tôi khi tôi đi ngủ trong mệt nhọc và thức dậy cũng mệt nhọc không kém. Đến mức, mỗi sáng, tôi chỉ ước mình không phải thức dậy, để phải thấy tôi và cô cùng hiện diện trong một căn phòng.

Công việc của cô mỗi ngày là đưa ra những thông điệp mâu thuẫn nhau đầy tính chất áp đặt, để rồi nhảy xổ vào soi lỗi, để giáo huấn, để lên mặt, để trút những cơn giận vô lý sinh ra từ hóc môn của một bà bầu khó ở. Cô khiến tôi thấy mình tệ hại, vô dụng và phiền nhiễu. Sau này tôi mới biết, đã có hàng chục đứa ra vào vị trí của tôi chỉ một thời gian ngắn khi cô có thai và chưa chịu đẻ.

Bi kịch của bi kịch là trợ lý của cô cũng là một cô bụng chửa khó tính. Họ như sinh ra để làm cùng nhau, để nếu có bị ghét cũng bị ghét có đôi. Ngoài ra, cô có ba đệ tử. Họ mang ba khuôn mặt khác nhau: một là vuốt đuôi nịnh bợ rồi sau lưng nghiến răng ken két, hai là bơ mặt nghe chửi quanh năm, ba là bàng quang trước mọi sự kiện. Tôi thấy cô độc và ngột ngạt khi phải thở chung bầu không khí với những thể loại ấy.

Có lần cô đãi cả phòng đi ăn ở một nhà hàng xịn nhất sài gòn. Bữa ăn cho mười người  mà giá cỡ chừng hai tháng lương của tôi. Người ta nói bào ngư ngon nhứt thế giới, mà lúc đó tôi thấy như mình nhai phải cao su. Cô ngồi đấy tươm tướp nói cười, kiểu độc thoại. Những lần tiếp khách chán ngắt nhất tôi từng trải qua sau này cũng không sánh bằng sự tẻ nhạt của buổi cơm hôm ấy.

Tôi đã nghỉ ngang. Đã bỏ một công việc bao người mơ ước trong một nốt nhạc – cái khoảnh khắc mà trong tôi không còn tế bào nào chịu được sự hiện diện của cô trước mặt mình thêm phút giây nào nữa.

Ngày rời chỗ làm, tôi thấy như vừa bước ra khỏi một cơn ác mộng. Chức năng chính của ác mộng là làm người ta kiệt sức, sợ hãi, và mất phương hướng.

Tôi đã mất một khoảng thời gian để tìm lại cảm giác muốn theo đuổi nghề đã lựa chọn. Dù thỉnh thoảng, ám ảnh về cô có làm tôi chùng bước…

Hôm rồi vô tình nhìn lại ảnh cô, ký (uất) ức lại ùa về, vẹn nguyên. Vết thương của sự hủy diệt đã 7 năm rồi bỗng rát buốt như mới hôm qua.

Cô người Hoa, họ Ôn. Tôi đặt cho cô tên khác với tên ba má cô đặt. Tên Dịch.

Thành công sau này trong nghề của tôi nhất định không thể phủ nhận công lao của Ôn tiểu thơ. Tôi chỉ muốn phủ nhận lại sự chà đạp của cô thưở nào bằng sự cố gắng không mệt mỏi. Thực tế chứng minh, cô sai rồi.

30.4.12

Tháng tư


i did make a dozen of wishes and none comes true!

Không có bánh và nến ngày sinh nhật. Nên không có gì nhắc nhớ tôi về số tuổi của mình. Tôi quên mất rồi. Từ sau tối nghe quanh mình tiếng hát mừng 25 tuổi thì tôi không còn đếm nữa. Mãi mãi tuổi 25 là lời biện hộ “em hẵng còn bé lắm” của đứa con gái chưa chồng, nhưng là bi kịch của bà già một sáng nhìn gương thấy mình rụng hết răng. 

Nhưng tháng tư luôn đầy những chờ đợi, háo hức và ám ảnh. Như quả trứng đợi chú tinh trùng khỏe nhứt đến đậu thành tôi. Như tôi đợi mẹ rặn nhiều hơi khó nhọc để nheo mắt nhìn đời. Như đời đợi tôi không thở dài than khóc khi oằn mình đi qua một kiếp người. 

Tôi vẫn nhận được quà của mẹ, đúng ngày và bài bản.

Ở nơi dễ thấy nhất nhà, tôi để cái ảnh chu mỏ thổi 2 cây nến cắm trên bánh sinh nhật. Nó nhắc tôi phải biết yêu lấy mình cho xứng với cái tình cha mẹ đã cho. Nó nhắc tôi phải biết tìm thấy người  mang đến cảm giác của lần thổi 2 cây nến ấy để mà tin, mà yêu. Vì lúc khó nghèo nhất, chưa bao giờ tôi thiếu bánh, và nến, và hoa ngày sinh nhật. Dù đó là cái bánh nham nhở cháy khét của mẹ, bình hoa đơn sơ chỉ có vài bông đồng tiền… 

Cuộc sống đôi khi rất khắc nghiệt, nhưng tôi không thể ngã, vì tôi là cả thế giới của mẹ cha, và người đàn ông của mình.

Năm nay, bánh và nến được thay bằng hoa hồng và măng cụt. Cảm giác bay bổng như nhau, à không, khác chứ, vì hoa hồng sắp tàn mang đi nấu làm nước tắm khiến tôi thấy mình trẻ (ít) đẹp lại như xưa, cái thủa tuổi 25 xa lắc!


8.3.12

Phụ nữ

2.3.12

Thơ tiểu thư


Này Công tử,

Chàng viết điều chi gửi cánh diều
Bay chấp chới chiều mùa xuân lộng gió

Để hồn ta đêm đó về để ngỏ

Cơn mộng mị ngập tràn những cánh thư


Chàng giấu điều chi dưới đáy thuyền
Trôi êm ả trên mặt hồ lặng sóng

Mắt tìm mắt nghe bão nổi trong lòng

Tiếng chèo khua vội tựa nhịp tim run


Chàng vẽ điều chi trên hàng rào
Phía ngôi nhà hoa thơm và cỏ ngát

Khiến ước mơ rủ nhau về nảy hạt

Nở khắp vườn tiếng khúc khích trẻ thơ


Chàng gói điều chi ở bàn tay

Mà ấm nóng như ly trà buổi sớm

Cho đêm xuân từng ngón đan không rời

Tuyết mùa đông tan trong nắng ban mai


Chàng bỏ gì vào chén rượu tình si
Mà ngọt ngào mà nồng nàn quá đỗi

Giữa cơn say ta nghe lòng bổi hổi

Rượu cạn rồi, tình có tan...

...tình
có tan?




22.2.12

Nghèo

 
 
 
Ai nói nghèo không phải là cái tội ?

Nghèo bị gói chung vào một bọc tả pí lù gồm dơ, tham, lì, gian, trộm, dốt, ăn vạ...

Nghèo đi đâu cũng thấy hàng rào cao quá đầu, đất trời bao la mà chẳng có nơi nào dành cho mình.

Nghèo thấy mình bị phán xét vô lý, áp đặt chủ quan đầy cảm tính, mà không cách chi biện hộ.

Nghèo hiện diện nơi nào, nơi đó có dè chừng và chối bỏ.

Nghèo có khẽ kêu than, hoặc gào lên bất bình, nhưng công lý là trò chơi của kẻ mạnh. Mà, nghèo thì sức mấy mà mạnh.

Nhưng nghèo thường quả cảm và lạc quan, cởi mở và cả tin, đâu có gì để mất mà đắn đo.

Ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra. Là công dân của một nước nghèo đôi khi là một "cơ may" sờ thấy nỗi nhục quốc thể, đủ để nhắc mình:

Nghèo thì nghèo, nhưng đừng hèn.

Ngước lên không thấy bằng ai, nhìn xuống càng chẳng hơn ai, nghèo khởi ham muốn và khát khao, nhưng đánh đổi bằng mọi giá, thì không.

Thương quá, Đất Mẹ còn nghèo bao lâu?

9.2.12

Tết



30 năm chưa ăn tết xa Mẹ.

Đó là niềm hạnh phúc lớn lao.

Là lời nguyện cầu, là ước mơ mãi về sau.

Được ăn tết, cùng Mẹ.

Nhớ những mùa xuân khó nghèo, mẹ chỉ có thể mua trái cây bị dập quá nửa về tỉ mẩn gọt sạch để tủ lạnh, mấy đứa con đi chơi trời nắng về cắn một miếng mát râm ran.

Những mùa xuân pháo nổ đì đùng, hít một họng khói mà nghe sướng điên người. Cả mấy con chó nuôi sau nhà cũng rộn ràng quắc mỏi đuôi đón tết.

Niềm vui tuổi nhỏ đơn sơ quá. Bánh mứt kẹo, bao lì xì, quần áo mới... đủ nuôi háo hức qua hạ nắng cháy, thu nhiều gió và đông lạnh xù xì để chờ xuân ngời ngời.

Rồi, theo thời gian, mùa xuân lén mang nỗi lo cơm áo, lễ nghi vào tâm trí mình.

Giờ, thức ngon vật lạ ê hề, hoa hòe đủ các thể loại, áo quần đã xông xênh, cuộc sống đã thênh thang nhiều lẽ...mà nỗi háo hức ngày xưa nay ở đâu, ở đâu ?

Phải chi đời người chỉ có mỗi tuổi thơ.

Chỉ có một điều chưa bao giờ thay đổi, là luôn có một mùng dành để chụp hình gia đình. 30 năm rồi, vẫn thế. Đó là những khoảnh khắc rất tươi vui, và ấm.

Từ thuở ba chất cả nhà, gồm cả chó, lên chiếc xe Bê xê chạy vào đồi thông, rừng cao su chụp cho hoành tráng. Đến khi hai con lớn cồ đầu thì chỉ chụp ở vườn nhà.

Mà nhắc rừng cao su mới nhớ. Thằng anh đi ị rồi đậy cái gáo dừa hứng mủ cao su lên, lừa con em, bảo anh bắt được con này hay lắm, mở ra phải chụp liền chớ không nó chạy nghen. Con em tin thiệt, mở ra chụp một phát nguyên con, thúi hoắc. Con em đứng khóc ré trong khi ba rượt thằng anh chạy té khói. Đó là nỗi ám ảnh mang từ khóa "cao su" và "gáo dừa" trong ký (uất) ức của con em.

Ngày đó chụp máy phim, canh rất lâu, lúc chụp được mặt méo và nhăn như khỉ. Có khi ba bấm xong chạy vấp cục đá, ra bức hình ba té chổng mông. Giờ đã có rờ mốt ngồi cười tươi rói mới bấm nên chuẩn không cần chỉnh.

Mà, khoái hình hồi xưa hơn.

Hình bi giờ, 3 năm gần nhứt.