Love means never say you be sorry...

25.12.11

Làm mẹ (mìn)



Mấy hôm liền, ngủ cứ bị giật mình giữa đêm, tay vội sờ quanh tìm hơi ấm, trống trơn, mới hay, lại ngủ một mình rồi.

Vừa kịp quen hơi thì đã xa nhau, nhớ quá tiếng thở nhè nhẹ và những cú đạp long trời lúc nằm mơ của con, Jenny à...

Ba mẹ con quyết định đi tuần trăng (dập) mật một lần nữa, để luyện Rồng - kiếm thêm thằng cu về quậy tưng nhà mình, nên ta và con có cả một mớ ngày bên nhau để chăm bẵm, chơi đùa, la hét... chỉ có hai đứa mình, thật tuyệt!

Thực ra thì những khoảnh khắc ở bên con thường dao động giữa biên giới của thiên đường và địa ngục.

Bình thường, chỉ chơi với con cho đã, chưa kịp oải đã trả về cho Mẹ. Giờ thì ta biết cảm giác đi qua bên kia bờ của từ oải là gì rồi.

Phần lớn thời gian trong ngày con đi học, nhưng ngoài lúc đó ra thì lắm chuyện thật.

Những buổi sáng con ẹo ẹo bên tủ đồ, đòi mặc áo này quần kia mang giày nọ, đến khi bước được ra khỏi nhà để đến trường là cả một kỳ công. Con sẽ hỏi những câu từ rối rắm đến vô duyên liên tục từ lúc ngủ dậy, và bi kịch hơn là cứ trả lời xong hết một loạt (dài) thì con sẽ hỏi lại... từ đầu. Sự kiên nhẫn có khi suýt bay đi mất, nhưng vừa bắt đầu một ngày mới, không thể dập tắt hứng khởi và nụ cười của con, ta đành phải đáp ứng với một thái độ vô cùng hợp tác.

Đi làm chỉ nôn nao canh giờ đón về, sợ trễ có đứa tủi thân mắt long lanh thì tội lắm. Mỗi buổi chiều phải đưa đến một nơi mới, chơi những trò mới, để khoả lấp nỗi nhớ mẹ của con. Những bài hát (chế) vô cùng tào lao, những câu chuyện vô cùng hoang đường, những con vật vô cùng khó tưởng tượng như con nhện có cái mũi dài như con voi chuyên hút máu đứa nào ăn cơm chậm rì, con yêu tinh (mà con cứ xớn xác gọi là con "tình yêu") ở tận bên Ý của chú Minh sẽ bay về ăn thịt đứa nào không đi ngủ sớm…mới khắc chế được sự bướng bỉnh của con. Chợt nhận ra chúng mình giống nhau quá, có khuynh hướng bạo lực (cao độ) và luôn bị thu hút bởi những gì… quái dị nhất…

Nhưng trên tất cả, là con mới đáng yêu làm sao.

Ta rất vui vì dắt đi đến đâu, (ban đầu) con cũng bẽn lẽn rất "nữ tính" và ngoan ngoãn chào hỏi người lớn, (dù sau đó quậy như điên). Nhất là rất chịu khó giao lưu với các bạn nhỏ mà con gặp. Con đã khiến anh Jimmy, một anh lớn 6 tuổi bị bệnh tự kỷ, bất ngờ vui vẻ chơi với con thật nhiệt tình. Vú nuôi của ảnh nói, lần đầu tiên vú thấy ảnh như vậy. Ta thì nghĩ, đàn ông con trai, tuổi nào mà chả mê gái đẹp, nhỉ.

Gặp ai, người ta cũng tưởng hai đứa mình là mẹ con đó jenny. Dù xét về nhan sắc, ta còn khuya mới đu theo con được…hic

Địa ngục là khi, ta thấy mình hoảng sợ. 

Nửa đêm choàng tỉnh để đắp mền chỉnh gối lại cho con, ta nghe tay mình ươn ướt, là máu, rất nhiều… ta đã run rẩy, lay con dậy hỏi sao vậy nì ơi, con mắt nhắm mắt mở lèm bèm, con chảy máu cam đó, rồi lăn đùng ra ngáy tiếp. Chắc con đã nhiều lần bị như thế, nhưng ta vẫn thấy bàng hoàng và khó ru mình ngủ trở lại, chỉ mong trời sáng mà gọi hỏi tứ phương… thì ra vì con bệnh mấy ngày nay, uống thuốc nhiều quá nóng trong người…

Suốt những ngày bên nhau, quanh ta chỉ có con, sữa, bỉm, thực đơn cho bữa tối, những câu chuyện, những trò vui... Không còn thời gian và tâm trí dành cho việc gì khác. Niềm vui và sự khoẻ mạnh của con là ưu tiên số một. Con đã dạy (một phần nhỏ) cho ta làm mẹ (mìn) tuy khó khăn mà hạnh phúc là thế nào.  

Đêm đầu tiên về nhà và ngủ một mình thì thực sự là, thức. Vì rất nhớ con.

Ta vừa có một kế quạch, phải đẻ một đứa như con, cho đã thèm.




24.12.11

Noel



NHẬT KÝ ĐÊM NOEL
 Noel, 2002
21h...
Đêm nay sinh nhật Chúa
Em đi giữa phố đông
Giữa biển người mênh mông
Sao vẫn cô đơn quá…

Sài gòn chẳng băng giá
Cũng chẳng có tuyết rơi
Lòng em bỗng chơi vơi
Buốt lạnh từng hơi thở

Em sắt se nỗi nhớ
Quay quắt nỗi chờ mong
Nhưng anh đã không đến
Em lạc giữa phố đông

23h…
Chúa ơi có hay không?
Lời cầu xin ơn phước
Cho con kẻ ngoại đạo
Mắt khô dòng lệ ướt

00h...king koong...
Chuông nhà thờ ngân nga
Bài thánh ca êm ái
Tim em chợt tê tái
Gọi thầm mãi tên anh...

1h...
Trở về trong hiu quạnh
Bên gác vắng buồn tênh
Lê từng bước chênh vênh
Ôi... Giáng sinh... sầu đắng...

Ơ, thế mà gần 10 năm rồi. Đọc lại thơ của tuổi hai mươi thấy giật mình. Không ngờ đã có lúc mình trong veo đến vậy - Có thể khóc được chỉ vì một gã trai nông cạn không biết giữ lời hứa. Đã ủ rũ đi về trong đêm noel mang cả nỗi buồn vào giấc ngủ. Đổi lại là bây giờ thì sẽ không bao giờ thế. Không có ai có thể là cả thế giới của mình, không có mợ con đi chợ vẫn tươi. Và dứt khoát chỉ về khi đã vui trọn một đêm hoành tráng. Cuộc đời thật ngắn để phung phí trong cơn muộn phiền.


Nhưng đó quả là Đêm Giáng sinh í ẹ nhất mình từng có.

Thật may có nhỏ bạn thân cứu bồ, dắt díu nhau đi dọc những con phố đông nghẹt người. Hai đứa cứ thế ngơ ngơ đi lững thững chẳng biết điểm đến. Ngơ ngơ hơn khi mua hai cái nón noel đội cho giống người ta với giá trên trời. Đội vào cười hi hi với nhau chưa được năm phút thì mấy thằng mắc dịch giật phăng chạy mất. Ú ớ được vài tiếng, rồi đứng hình. Lại quay về trạng thái ngơ ngơ cũ, với level cao hơn vì tiếc của.

Tất nhiên cứ đi theo đám đông thì sẽ trôi đến Nhà Thờ Đức Bà. Nhìn từ xa cứ lít nhít người chen vào, làm hai đứa ngoại đạo tò mò cực độ và ra một quyết định ngu xuẩn là...cũng chen vào. Ta nói, lúc ở giữa những người với người, bộ cánh sắm sửa nâng niu cả tháng trước coi như te tua. Mùi mồ hôi, tiếng chửi rủa, la hét vì dẫm vào chân nhau, đè lên người nhau, làm mình không thở được và phát điên. Thêm vào mớ hỗn độn đó là tiếng ré của mình vì bị sàm sỡ bởi bàn tay của thằng dê xồm nào đó. Chả biết ai là ai, cứ giơ tay lên cú đại vào đầu mấy thằng nào gần nhất. Đến phiên tụi nó ré. Khi vào được đến bên trong thì mắt không còn thấy Chúa, tai không còn nghe được nhạc nhẽo gì, chỉ thấy đầu bốc khói vì giận dữ. Quay qua kiếm con bạn, mặt nó tái xanh như đít nhái. Hỏi không nói. Đứng hình một đỗi, mới thẽ thọt, mày ơi, hình như tao bị sàm sỡ hay sao đó. Mẹ kiếp. Thì là sàm sỡ rồi chứ còn gì nữa mà sao với trăng. Thôi đi về. Thế là kéo tay nó tìm lối thoát ra ngoài...

Mà đã xong đâu, khi đang thất thểu lội về thì – xoà xoà, tối tăm mặt mũi. Thì ra là một đám các nam thanh nữ tú quá khích và quá khùng hốt kim tuyết và giấy vụn rơi đầy đường để tung vào đầu những người đi trước chúng. Khỏi nói mình đã trở thành con quạ xấu tột cùng với cái đầu đầy rác và miệng đầy những tiếc rủa xả những phần tử kích động. Nhỏ bạn can ngăn dữ quá (may thật), chứ không mình cũng hốt quăng vào đầu tụi nó rồi, lúc đó chắc ôm đầu máu về…

Nhà nó hồi đó ở ngay khu trung tâm. Giờ đập đi để xây toà văn phòng 68 tầng cao nhứt sài gòn. Nên mỗi lần đi ngang qua nhìn thì nhớ nhà nó, nhớ đêm noel xưa, bực.

Đang đi về thì Vịt bác học điện thoại bảo ghé qua ngồi với anh - quán nước mía đối diện công viên Lê Văn Tám. Gã đang ngầy ngật với chai Hennessy đã vơi quá nửa. Gã vừa bước ra từ một quán bar nào đó. Rượu mạnh, nhạc giật, và gái (có thể) đẹp không xua tan được nỗi cô đơn trong lòng gã. Mình đã uống cạn 2 ly nước mía, uống luôn những thở than và câu chuyện không đầu không cuối của gã. Nó làm nỗi chán chường của mình nhiều thêm từng lúc. Xe và người xô nhau, tiếng người giờ thành những âm thanh quái đản, quay sang nhìn gã, nỗi sầu muộn bao trùm khuôn mặt rũ rượi tóc tai. Mình ngột ngạt đứng dậy đi, bỏ mặc gã, không thèm dặn lại câu nhớ về sớm...

Mà hồi đó vẫn còn đi chiếc Charly cà tàng. Nghĩ sao mà nó nỡ tắt máy giữa đường. Dắt bộ một quãng dài lắm. Đứng lại thở dốc trước nhà thờ nghe chuông mừng Chúa giáng sinh lúc nửa đêm. Nơi hang Bêlem Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn. Nơi đây con cũng te tua tơi tả Chúa ơi...

Tới nhà, bà chủ đi lễ chưa về, bị nhốt ở ngoài không biết đến mấy giờ. Chỉ nhớ lúc lết lên cầu thang về phòng, nơi có ngọn đèn vàng núp sau cành cây dại, đã ngồi lặng im rất lâu không suy nghĩ được gì, đầu óc trống rỗng và đen như màu đêm...


Vậy mà hôm sau ngủ dậy là xong. Tươi mới và nhẹ nhàng. Rồi lại ngồi bên cửa sổ làm bài thơ trong trẻo kia, không hề có chữ nào dành cho gào thét và cay cú. Đúng là tuổi hai mươi kỳ diệu.


Những mùa noel sau không buồn không vui không ý nghĩa.


Mà, từ ngày xa Mẹ, noel chưa bao giờ ý nghĩa...


15.12.11

Bạn - Bè




Tôi nhận được tin nhắn từ yahoo messenger, rằng nó đám cưới, mời tôi về dự. 

Không phải từ thiếp mời, điện thoại hay email. Mà là tin nhắn từ ô cửa sổ chat. Như hàng tá tin nhắn tôi (bị) nhận của bọn quảng cáo nhặng xị, chỉ cần một cái nhấp chuột là gửi được cho cả list. Và vì thế, tôi đọc mẩu tin và bỏ qua cũng chỉ đơn giản bằng một cú nhấp chuột.

Tôi đã từng đợi đám cưới của nó như đứa trẻ đợi ngày hội lớn. Chúng tôi đã cùng thắc thỏm và vui mừng cho hạnh phúc của nhau. Khi ấy, chúng tôi là BẠN.

Nhưng một ngày nào đó, tôi không (muốn) nhớ, chúng tôi chỉ còn là BÈ. Tôi đã không còn muốn nghe tiếng nó, không còn để nó vào một góc trong lòng mình để nhớ về khi vui lúc buồn.

Nó nghĩ, tôi giận nó chỉ vì một lần nó ham chơi quên bạn. Nó nghĩ, tôi nhỏ mọn quá thể.

Nhưng nó không nhớ rằng, đó không phải là lần đầu.  
Nó không biết rằng, lúc tôi lạc giọng gọi nó, là lúc tôi cần nó nhất, là lúc nó không thể buông cây cơ, là lúc trong mắt tôi nó hời hợt, vàng vọt và hư ảo, là lúc giọt nước làm tràn ly, là lúc nó đẩy hai chúng tôi sang hai bờ của tình bạn.

Tôi nghĩ là nó tiếc, thực ra tôi luôn hi vọng nó biết đến cảm xúc ấy. Để nó không đẩy thêm BẠN nào nữa, ra khỏi mình. Khi nó sống thật hơn, cho nó, và cho BẠN.

Tôi cũng tiếc.
Tôi đã từng thấy mình may mắn vì có nó trong một khoảng đời. Nó đã vực tôi dậy khi ngã, đã khóc với tôi khi nó tổn thương, đã ôm đàn rống cho nhau nghe khi đêm gần về sáng, đã nghĩ về nhau như một chỗ dựa tinh thần. Dù tôi và nó, cách nhau hơn ngàn cây số.

Nhưng tôi vẫn chọn dừng lại.
Tôi không thể yêu quý và trân trọng nó như ngày nào khi lòng tôi không muốn thế, và lòng nó không thể làm thế với một tấm chân tình.
Ai nói trong tình bạn không có sợi tơ nối kết, khác là nó màu xanh. Khi hết duyên thì đứt. Có thể nối lại hay không, là ở ý trời.

Nó cưới vợ, tôi sẽ không đến. Tôi biết nó sẽ cười nhiều trong bộ đồ chú rể. Nó luôn là thế, hớn hở và toe toét trong những cuộc vui.

Ở bên này bờ, có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ muốn biết nó sống có ra sống không, có hạnh phúc không, có bình yên không.

Một ngày nào đó. Không phải bây giờ.

Vì chúng tôi chỉ là BÈ.