Love means never say you be sorry...

12.9.11

Home



Có lần khi ở rất xa nơi mình sinh ra, em đã nhìn ra ô cửa sổ nhòe nhoẹt nước mưa, và khóc. 

Trong căn phòng xa hoa của khách sạn 5 sao xứ người, em chỉ thấy mình ngồi co ro ở một góc nhỏ của chiếc ghế bành to lớn. Đó là một ngày mùa đông. Ánh đèn vàng đến nồng nàn và điều hòa đã vặn ở nhiệt độ cao nhất cũng không xua tan được khí lạnh bủa vây. 

Em cứ ngồi như thế, thật xa chiếc giường trải drap trắng toát phẳng phiu, như sợ phải đặt mình lên đấy mà nghe nỗi nhớ thấm ướt chiếc gối lông ngỗng mềm dịu. Em cứ ngồi như thế, lâu lâu nhoài mình phả hơi thở vào ô cửa kính lớn và miết vào “miss, miss… so much”. Em cứ ngồi như thế, nhiều ngày đông, lúc trời gần về sáng…

Có khi em xua đêm vắng bằng một kiểu hành xác lạ kỳ. Ngồi trong bồn tắm, thả vào mớ bột oải hương, và xả mạnh nước từ vòi sen xuống mặt, nóng rát. Cảm giác như chìm trong một ngày mưa hạ oi nồng. Em không thích mùa đông, không thích lạnh lẽo, vì nó làm lòng em cô đơn chết đi được...

Có khi em rời giường ngủ, lần mò xuống quán bar khách sạn, chọn một góc ngồi khuất, gọi ly cocktail sóng sánh, khẽ lắc lư theo nhịp gõ flamenco của ban nhạc Filipino, thảnh thơi được một chốc, rồi lại thấy mắt mình cay xè, có lẽ vì khói thuốc bàn bên…

Có khi em mặc vội áo choàng, lang thang ra phía khu vườn có hồ bơi lúc quá nửa đêm, nghe cái lạnh cùng sương khuya chạy xộc vào từng tế bào, buốt giá. Không gian im ắng đến tê người, em chỉ thèm nghe tiếng ếch kêu ồm ộp để thấy mình không một mình…

Em nhớ nhà.

Nhớ bụi khói, tiếng ồn ào, tiếng chó sủa giữa đêm khiến em bực dọc.

Nhớ căn phòng ổ chuột nơi em vươn tay là có mọi thứ mình cần.

Nhớ ánh mắt, nụ cười, vòng tay. Nhớ anh.

Em đã đếm ngược thời gian. Không nhớ đã nghe bài hát này bao lần. Không nhớ đã vui mừng thế nào khi thấy bóng anh ở sân bay ngày trở lại. Chỉ biết hít vào cho đầy lồng ngực cái không khí nồng nàn mà em gọi là mùi quê hương.




Đã nhiều năm, từ mùa đông ấy.

Em đã lại đến và ở một xứ khác, vài lần nữa, nhưng cảm giác nhớ nhung không bao giờ giống ngày xưa, không còn ai mong em ở sân bay ngày về nữa.

Mùa hè oi nồng, em giờ đây vẫn nghe bài hát cũ xưa, nhưng với tâm thế của người ở lại và chờ đợi. Lòng đôi khi ngổn ngang. Không biết người ta có đếm ngày để về với em, có thấy mình sống một cuộc sống khác thật nhạt nhòa khi ở một thành phố không có em, và có chút nào nhớ em…
  
Does someone just wanna come home?


11.9.11

Trung Thu



Trung Thu rồi kìa.

Thế mà mình đi dọc những con phố dài vẫn không thấy được cái không khí của đêm hội trẻ thơ. Những hàng quán lồng đèn treo đủ các thể loại nào nhựa, nào giấy, mà mình vẫn không tìm được cái nào ưng ý. Có lẽ mình đang tìm một chiếc có hình dáng của những kỷ niệm thơ ấu đã trôi qua từ lâu lắm...

Thế mà mình đang quấn chăn nằm nghe mưa rả rích mà thương nhớ những đêm rằm tháng tám xưa. Lũ trẻ con quanh nhà mình rục rịch từ chiều chờ đêm xuống để rước đèn, và những ngón tay xinh đan vào nhau cầu trời đừng mưa nữa, hẳn đang thất vọng tràn trề...

Từng này tuổi rồi mà mình vẫn cứ háo hức mỗi mùa trăng. Đó là mùa ký ức tuổi thơ trở về sinh động và ngọt ngào nhất.

Hồi xửa làm gì có lồng đèn điện vô duyên toàn nhạc Tây Du Ký và mấy bài nhạc tàu xí xa xí xồ như bây giờ. Thế nên giai đoạn rộn ràng và nhộn nhịp hơn cả là lúc đám nhóc rủ nhau đi chặt tre về tự vót làm đèn. Mình thì rất khéo tay nên năm nào cũng làm đúng một kiểu đèn ông sao, tràn đầy tinh thần yêu nước. Nhưng tụi trong xóm hay bảo nhau là  mình chỉ biết mỗi kiểu đấy làm mình tức khí lắm . Cứ chép miệng nhìn lũ bạn sáng tác đủ thứ hình dáng đèn ra vẻ không thèm chấp, dù bụng thèm gần chết.

Trong xóm có một anh nọ rất giỏi làm đèn kéo quân. Mình luôn mê mẩn ngồi ngắm đoàn người di chuyển hoặc múa may khi đèn quay chầm chậm, như lạc vào một thế giới thần kỳ tuyệt diệu. Muốn được xem thế mình phải tò tò theo nịnh nọt lẫn cúng một mớ nến sáp cho hắn ta. Nhưng mình ít khi tiếc, phần vì được ngắm đèn, phần vì nến đó mình chôm của ông anh.

Thường đám con gái mới làm lồng đèn. Bọn con trai chỉ chơi đuốc. Chúng chuẩn bị những khúc tre dài và chia nhau từng tí dầu để tạo thành một đội quân đuốc hùng hậu trong đêm rằm. Lung linh và đáng yêu làm sao khi lũ trẻ nối đuôi nhau rước đèn khắp xóm. Tiếng cười đùa xen kẽ những tiếng thét thất thanh khi có thằng quỷ sứ nào đó dí đuốc vào thiêu rụi lồng đèn của con nhỏ ngày thường hay đi gây sự. Mình luôn phải méo mặt đứng ôm cái khung đèn cháy nham nhở nhìn theo đám đông tiếp tục đi mà bụng trách dạ sao gây lắm ân oán làm gì để giờ bị mấy thằng khỉ đột xấu bụng trả đũa. Chúng chính xác là khỉ đột vì sau đó thường nhảy cẫng lên cười hô hố và tung tăng chạy đi bỏ mặc mình đứng dở khóc dở cười...

Thôi không sao, mình sẽ về phá cỗ.

Cỗ của con nít xóm nghèo hoành tráng lắm. Thỉnh thoảng bây giờ mình vẫn bắt gặp hình ảnh mâm cỗ như thế mỗi dịp người ta cúng cô hồn. Thôi thì đủ loại tả pí lù bánh kẹo và trái cây, nhiều nhất là thèo lèo, bánh bột linh và mía, cóc, ổi. Nhưng vì trung thu nên ở giữa sẽ có bánh nướng, bánh dẻo hoặc bánh hình con heo trông rất đã mắt. Hồi ấy mình chỉ ước một lần ăn trọn vẹn một cái bánh trung thu cho thỏa cơn thèm, vì sang lắm cũng chỉ được ăn một góc tư bánh toàn bột là bột. Giờ thì chưa khi nào ăn hết một góc tư bánh toàn nhân vi cá, thập cẩm...

Trong lúc phá cỗ thì luôn có chương trình văn nghệ. Bọn trẻ luôn vỗ tay ủng hộ mình nhiệt tình vì mình mải hát thì sẽ bớt một miệng ăn. Nhưng mình vốn có tinh thần hi sinh vì nghệ thuật từ bé nên cứ thế tự biên tự diễn, vừa làm MC, vừa làm ca sĩ. Trong xóm mình được xem là ngôi sao vì quy mô hoạt động khá rộng. Kèo nào mình cũng đu theo, không chừa đám ma hoặc đám cưới.

Nhưng ở trường thì mình có vẻ không nổi tiếng lắm. Bằng chứng là năm nào cũng có văn nghệ mừng trung thu, để chị Hằng chú Cuội về giao lưu với tụi nhỏ. Mình chưa bao giờ được lên hát vì thường sẽ rớt ngay vòng đầu của phần duyệt chương trình. Mình luôn tự hỏi tại sao tài năng của mình không được nhìn nhận, cho đến mãi khi lớn lên nhìn lại hình mới phát giác là do nhan sắc của mình thuộc thể loại không ăn sân khấu, đen thui đen thít, bẩn bẩn và xấu xấu thế nào, quần áo luôn xộc xệch và đầu tóc cứ rối bù vì chả bao giờ mình chịu đứng yên một chỗ.

À, nhưng mình đã có một vở kịch để đời. Sau một hồi lâu lựa chọn cho vai vợ chú Cuội, cô đã mời mình, mình vui đến không để ý là không có đứa nào chịu nhận vai đó, trừ mình. Tiếng là vợ của vai chính nhưng mình diễn chỉ có hai cảnh. Cảnh 1 là mình đang đi làm đồng, tự nhiên lăn đùng ra chết, Cuội phải thay bộ lòng con chó vào bụng mình thì mình mới sống lại. Tức là, mình bước ra sân khấu, đứng ngơ ngơ, rồi nằm vật ra, đợi Cuội làm vài động tác trên bụng, rồi ngồi dậy cười hì hì xong đứng dậy bước vào trong cánh gà. Cảnh 2, vì mang trong người bộ lòng chó nên vợ Cuội rất đãng trí, tè vào gốc đa trước nhà, nên nó trốc rễ bay lên trời. Tức là, mình bước ra sân khấu, tuột quần ngồi sát cái hình cây đa. Rồi nhảy cẫng lên lúc người ta kéo cái hình ấy lên trần nhà, rồi cứ nhảy cẫng như thế chạy vào cánh gà. Hết phim. Vai diễn không một lời thoại nhưng cũng đủ để mình có biệt danh là vợ chú Cuội đến mãi một thời gian khá dài sau này. Lâu lâu họp lớp chúng bạn vẫn ước mình có thể diễn lại hai cảnh đấy cho chúng vỡ bụng một lần, nhưng mình dịu dàng từ chối. Mình chả thấy phiền lòng tẹo nào. Đã bảo là mình rất có tinh thần hi sinh vì nghệ thuật từ bé mà lị.

Cũng có khi mình và mấy thằng con trai lập phi đội múa lân đi vòng vòng xóm kiếm chút đỉnh ăn chè. Thường chỉ có cái đầu lân là đúng kiểu, còn lại là tự chế bằng mền hoặc khăn bàn màu đỏ đỏ. Mình là con gái nên được làm ông địa, nhảy tưng tưng quanh cái đầu lân rồi phe phẩy cái quạt rất đúng điệu. Đôi khi nhảy hăng quá rớt cái bụng bầu giả ra thì mọi người cười rần rần quê lắm. Nhưng người lớn có khi rất ác. Kêu phi đội vào múa, treo phong bì cao chót vót, làm con lân phải bế nhau lên mới lấy được, mà hồi mở ra có tí xíu tiền... Có khi người lớn còn cười kiểu, bị lừa rồi nhá, làm mình rất bực, nhảy hết hăng. Sau này có dịp mời các phi đội lân múa dịp tết cho vui nhà, mình biết ý bỏ phong bì xông xênh, nên ông địa cười rất tươi, như cái mặt nạ toe toét của ổng. 

Những mùa trăng cứ thế qua đi mà những rộn ràng vẫn theo mình mãi đến tận bây giờ.

Lớn rồi, mình thích đi trao quà cho trẻ em nghèo mỗi dịp trung thu cùng bạn bè, để thấy lại nguyên vẹn những ánh mắt hân hoan và thèm thuồng như của mình, ngày nhỏ. Mình chỉ mang theo bánh heo và lồng đèn giấy, để nhìn tụi nhỏ thắp nến sáng lung linh, và thắp luôn tuổi thơ của tụi mình. Mình cũng để dành đồ ăn cho đứa nào có tinh thần “hi sinh vì nghệ thuật”, vì nó xứng đáng được nhiều hơn những tràng pháo tay...

Ôi, trung thu!


6.9.11

10 năm



10 năm là một bước đi dài.

Thời gian đã in hằn lên khóe môi , nét cười. Những hồn nhiên, vô lo đã theo nhau đi mãi về miền quá khứ, chỉ còn lại trăn trở và ưu tư mỗi ngày nhìn bóng chiều đổ sau bước chân mình.

10 năm trước em nếm trải thất bại đầu tiên trong đời. Vẫn đứng dậy bước tiếp với niềm tin và khao khát sống mãnh liệt.

10 năm sau em lặn ngụp sâu trong nỗi muộn phiền của lần vấp ngã kế tiếp, lòng đã có lần từ chối hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Mắt em thôi nhìn về phía xa nơi chỉ có hoa hồng và thảm cỏ non xanh mướt, giờ chỉ thấy hoang hoải một kiếp người có khi mỏi mệt đến tan ra.

Nhưng dù em thế nào, cuộc sống vẫn lăn trôi, cười nói vẫn xôn xao lẫn trong tiếng nấc giấu sau đôi bàn tay. Em luôn chờ một ngày nhiều gió mà thả tóc tung bay tiễn ước mơ trẻ dại về miền tít tắp, sẽ không còn khắc khoải giữa hư – thực, và khỏi rủ lòng khi nhìn mình vùi trong mớ hỉ nộ ái ố chốn nhân gian…

10 năm, nếu có thể quay lại, em tin mình vẫn sẽ như thế, vẫn ngô nghê và chông chênh chọn con đường không bằng phẳng mà đi, rằng sống không phải là chạy thật nhanh để đến đích, mà là thắt chặt dây giày sải những bước rệu rã qua dầm dề mưa tuyết và nằm lại khi nắng vàng đang lên…

Là em đó, của 10 năm, của ngày ấy và bây giờ...

5.9.11

Tựu trường


                                          ngày tựu trường quê em

5/9

Suốt 12 năm đi học, năm nào mình cũng đợi ngày này ngẩn cả người.

Mà không phải chỉ có đợi, bao nhiêu là thứ được chuẩn bị với sự háo hức cao độ.

Đầu tiên là quần áo, giày dép, sách vở. Mẹ luôn may cho ít nhất hai bộ đồ mới và mua đôi giày ba ta trắng điệu đàng hoặc một đôi guốc cao màu đen nếu mặc áo dài. Nhưng mình căm nhất là ít khi có cặp mới. Dù mình vứt lăn lóc thế nào chúng cũng chả hư hoặc rách. Có khi mình chơi chiêu rạch rạch nham nhở để thay, nhưng mẹ đã phát hiện ra ý đồ đen tối đó nên phạt mình phải xài tiếp đến khi bớt gian dối mới tha. Mình chừa không dám rạch cặp nữa, chứ không phải là chừa gian dối. Nó chỉ chuyển sang dạng khác “tinh vi” hơn mà thôi.

Thích nhất là lúc chuẩn bị tập vở cho năm mới. Lượn bao nhiêu nhà sách để tìm cho được loại giấy bao đẹp mà không đụng hàng. Có năm mình sáng tạo bao vở bằng mặt trắng của tờ lịch, rồi dán hình cái bản mặt mình ở giữa rất nổi. Kiểu như đây là vở của kẻ mà ai cũng biết là ai đấy. Nhưng được một thời gian ngắn mình phải thay. Vì bọn xấu đã làm mặt mình đầy tàn nhang, có khi le lưỡi, có khi lé mắt, có khi có răng nanh như quỷ sứ. Mỗi lần lên trả bài là thầy cô cứ cười cười, mồi cho chúng nó ở dưới cười nhỏ rồi to dần. Đúng là một lũ quỷ sứ! ý mình là lũ học trò, không phải thầy cô!

Hộp viết thì luôn là những cái hộp thời thượng nhất. Có một đống ngăn để đựng các thể loại viết và dụng cụ học tập. Và nó rất nặng. Bao gồm compa, dao rọc giấy và hàng tá thứ cần là có. Vì tiện nghi thế nên chừng một tuần thì các bạn đều cần xong, và hộp viết chính xác chỉ còn là cái hộp và cây viết.

Đấy là khâu chuẩn bị.

Gần đến ngày khai giảng không khí đã nhộn nhạo hẳn lên. Vui nhất là ngày đi lao động. Ta nói, vừa làm vừa chọc giỡn, nên rác và cỏ ở sân trường đều bay lên đầu và bám vào đám lố nhố học trò. Ba tháng hè dường như là quá dài cho nỗi nhớ nhung. So đo coi hè mày được đi đâu chơi, tao bị ông bà già tống về quê làm ruộng mệt chết mẹ, trời ơi, vậy hả, đáng đời cái bản mặt mày, rồi cứ thế đuổi nhau chạy khắp trường... Nhưng hồi hộp nhất phải kể đến món thăm dò coi năm nay ông thầy bà cô nào chủ nhiệm. Đứa nào ác ác tung tin vịt bị bà cô dạy Địa sát thủ chủ nhiệm là coi như thôi rồi. Còn nếu là ông thầy toán trẻ trẻ đẹp trai nhứt trường thì đứa con gái nào cũng bày đặt chép miệng chả quan tâm nhưng bụng đánh lô tô và mắt bắt đầu mơ về nơi xa lắm. Xì! mình đi guốc trong bụng chúng nó. Và mặt mình bắt đầu ngu đi vì mải suy nghĩ gian kế...

Ôi, đêm trước ngày khai giảng.

Những cái áo trắng sẽ được ve vuốt và treo lên tách biệt với một mớ đồ khác để khỏi bị nhăn và bị ám cái mùi cũ cũ. Quần thì li ủi thẳng cứ gọi là đứt tay. Giày được lau thêm lần cuối sau nhiều lần lau trước đó, để lên bục cao cao không thôi con lucky nó cạp nham nhở thì sáng mai nhà có món thịt chó nhậu. (sau ngày đó thì mang giày bị chó cắn đi học là bình thường, và con ky vẫn sống vui). Tập vở đã nằm ngay ngắn trong cặp vì cứ bị lôi ra xếp vào hàng chục lần. Đem đầy một cặp to. Ngày đầu chả học hành ghi chép gì đâu, nhưng cứ phải ráng mà vác theo, khoe là chính. Đồng hồ báo thức đã vặn… tic tac tic tac…

Ngày trọng đại.

Bước ra khỏi nhà, cảm giác ai cũng nhìn mình, dù đường vắng tanh. Nghĩ, biết đâu người ta nhìn mình xuyên qua màn, xuyên qua cửa, nên tỏ vẻ vênh váo lắm.

Đến trường, nhìn từ xa xa đã thấy lố nhố đông đúc rồi, thì ra đứa nào cũng nô nức như mình mà cứ tỏ ra chẳng có gì. Đi đứng cứ như rô bốt, chỉ đứng nghiêm nghiêm chả dám ngồi, chắc sợ nhăn đồ. Gió lớn một tí là bụng chửi thề rồi, sợ xù tóc.

Mà không hiểu sao, lũ bạn chúng nó nuốt gì mà không gặp có mấy tháng đứa nào cũng trổ mã hơn mình. Thằng này năm ngoái mình còn kẹp cổ nó mà giờ nó muốn cho mình ngửi nách cũng phải chịu. Con kia màn hình phẳng như mình ba tháng trước mà giờ bikini con con rồi, làm bọn con trai xoay sang mình xì xầm mới chết. Về mách mẹ mới được!

Khi sân trường ngập kín bóng học trò thì không khí đã căng tràn theo từng nhịp trống tập trung. Thầy cô lũ lượt bước ra đầy sân khấu. Ôi, nói chứ các cụ cũng nô nức như trò, cũng áo quần tinh tươm chả dám di chuyển mạnh. Vẻ lịch thiệp tạm thời đã đánh tan đi hoài niệm của lũ học trò về những cú hét ra lửa, giận xịt khói và dữ tung trời của các cụ năm ngoái. Quên mất rằng, chỉ sau ngày này thôi, lịch sử sẽ lặp lại, nguyên vẹn và có phần nguy hiểm hơn!

Thầy Hiệu trưởng luôn ôn tồn và nói những lời…cũ xì. Có đứa ngồi dưới nói nhép theo bài diễn văn làm rộn ràng cả một xóm nhà lá. Thầy vẫn tiếp tục ôn tồn, nhưng bụng bảo dạ, chết với ông nhá!

Xong đâu đấy vào lớp gặp gỡ thầy cô chủ nhiệm mới thật là xôn xao. Chỗ ngồi xáo trộn loạn cả lên, đứa nào cồ đầu phải xuống dưới ngồi hết. Mình chưa bao giờ rời khỏi bàn đầu. Vì mình bị cận thị. Chứ không phải bị đẹt như mấy thằng quỷ bàn chót cố nói to với nhau để mình nghe thấy. 

Lại lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó... ôi mình ghét thằng này thế mà lại phải nịnh nó để nó khỏi ghi tên, khỏi kiểm tra, khỏi mách cô vì năm nay nó được làm trưởng lớp. Nhưng phải có phương án sơ cua, nịnh nọt mà không ăn thua thì trét mắt mèo cho nó ngứa đã đít, bõ ghét!

Mọi thứ lại bắt đầu, nhặng xị, cười đùa, trách móc, giận dỗi, căng đầu vì học, thót tim vì bể tủ lúc thi, tranh đua với nhau từng con điểm, nhớ nhớ anh chàng tóc hai mái lớp trên, mơ mơ cảnh chàng trèo cây hái tặng…con nhỏ khác cành phượng to…

…tất cả tạo nên một thứ ký ức tuyệt vời qua mỗi năm của lứa tuổi học trò… làm dày thêm tâm hồn và tình cảm mỗi con người, là hành trang mang theo suốt một đời, để có ngày, ngẩn ngơ mãi trước một tà áo trắng, miệng hát thầm : nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…