Love means never say you be sorry...

26.6.11

Mùa hè xanh (1)



Tụi nhỏ đang chộn rộn lên đường đi Mùa hè xanh.

Chín năm rồi, hè luôn rủ ký ức mùa chiến dịch đầu tiên trong đời ùa về làm lòng mình xao động lắm.

Cái xã mình công tác nằm sâu sâu trong con đường về miền tây. Cả hành trình từ lúc rời bến ở cổng trường đến đích được lấp đầy bởi những bài nhạc chế cười chết bỏ, mấy trò chơi không giống ai và những câu chuyện tào lao bí đao của anh trưởng đoàn. Vậy mà mình vẫn ngủ lăn lóc được trong mớ náo nhiệt ấy.

Cùng với ba chiến sĩ nữa, mình đóng quân ở ấp đầu tiên. Từ đầu lộ vào đến chỗ ở khoảng chục phút rêm mông nếu ngồi yên sau xe đạp. Hai đứa con gái ở một nhà, hai thằng con trai ở nhà đối diện, ở cuối con đường vào ấp, ở cùng người dân. Ba má nuôi tụi mình là vợ chồng chú Hai, em nuôi là thằng Truyền học lớp 11, mặt hơi mụn nhưng hiền, và đảm đang gần chết.

Cuộc sống nơi này bỗng bị bấm số lùi chừng hai chục năm, có khi hơn. Hai con bò được nuôi trong bếp. Một cái bếp đầy tính lịch sử, kiểu chụm củi giữa ba cục đá để nấu ăn. Tóc mình thường rối tinh và phủ đầy tro sau mỗi lần kê mỏ sát đất thổi phù phù để nhóm lửa. Vật dụng trong bếp toàn chiến lợi phẩm từ thời chiến tranh. Mình vẫn thích giã cua trong cái mũ cối cũ xì và uống nước từ cái bình của lính màu xanh nặng trịch.

Buổi trưa mà được tu mấy vốc nước trong một dãy chum đựng nước mưa mát ngọt thì sướng như tiên. Sướng nhất là lúc uống xong nhìn thấy mấy em lăng quăng bơi tung tăng trong đó. Thấy mình hoang dã cực kỳ.

Trong nhà thích nhất chái bếp. Thích đi chân trần trên nền đất nện man mát. Thích ngồi quây quần với cả nhà ăn những bữa cơm nóng hổi. Chỉ không thích ngồi gần nồi cơm, vì hai đồng đội trai và thằng Truyền ăn tốc độ quá, mà cái chén thì nhỏ, phải bới liên tục, đến khi định thần thì đã hết đồ ăn. Căm lắm. Được ba bữa mình giao cho tụi nó cái ngai vàng đó, để kềm hãm bớt sức chiến đấu có phần thô bạo ấy.

Thích nhì là phòng tắm, cạnh cái giếng sau vườn. Được quây lại bởi một tấm bạt sờn rách quanh 4 cái cột mong manh. Cái cửa lại là một tấm bạt khác còn sờn rách hơn, thủng những lỗ to đầy khiêu khích. Cho nên mỗi khi tắm phải có đồng đội gái xách nước phụ và đứng canh cửa. Mình vẫn thường hát toáng lên mỗi khi đứng tắm ở nơi đầy nắng và gió đó, át cả tiếng càm ràm của kẻ gác cửa.

Nhưng lý thú nhất phải kể đến nơi tập trung những chú cá tra mắt lé và đầu u. Nhà nào sang sang mới làm riêng một cái sau vườn, còn lại thì cả xóm sẽ dùng chung ở vài lô cốt cạnh cánh đồng. Mình vẫn thường gọi động tác xách xe ù té chạy đến nơi ấy là “đi trời xanh bao la”. Lúc đầu ngại chết đi được, ngồi thụp xuống hết cỡ mà vẫn bị mấy đứa nhóc nhận ra, gọi ầm ĩ. Sau quen rồi, thường rủ đồng đội gái đi cùng, vừa “…” vừa chuyện trò râm ran. Rồi thành thân thiết với các bạn cá. Có khi còn phân biệt được đứa nào lé nhiều, đứa nào đầu u to hơn. (ai không hiểu có thể tìm đọc sự tích lé mắt và đầu u của dòng họ nhà cá tra.). Mình có lời thề sắt đá là thà chết chớ không bao giờ ăn mấy con cá tên Tra.

Mình được ngủ ngay cái giường ở phòng khách. Người quê khoái để giường ở phòng khách. Để ai tới chơi, mệt muốn ngả cái lưng cũng tiện. Đó, người miền tây hiếu khách từ những chiện nhỏ xíu như vậy. Tối ngủ cửa chỉ khép hờ. Có khi gió đưa cửa kẽo kẹt, nhìn lên thấy bóng đèn quả ớt đỏ chét trên bàn thờ thì thôi rồi, cứ sợ con quỷ một giò mò tới chôm cái giò của mình. Chưa kể những sáng đang mơ về nơi xa lắm, thì có bàn tay của thằng nhóc hàng xóm thò xuyên qua vách lợp bằng lá dừa vào giật giật kêu dậy đi dậy đi chị Tâm ơi (nó ngọng chữ r), làm mình vừa sợ chết khiếp, vừa điên tiết chửi đổng…mới 4 giờ sáng nha mậy, nhưng em đi chăn bò rồi mừ…

Nhưng buổi trưa mình sẽ giành võng với Chú Hai, mắc ở hai cây cột lớn ngay trước nhà, thả hồn vào những giấc mơ. Nếu không bị đồng đội gái dựng đầu dậy để đi dạy mỗi chiều thì sẽ say tới lúc lũ bò về chuồng. Sau này có dịp đi nghỉ ở mấy resort cạnh biển, vẫn không tìm được cảm giác tuyệt vời như ngày đó, dù giường có êm hơn, võng có mềm hơn và gió có lộng hơn…

(còn tiếp...)

24.6.11

Cho Người



Người về.
Trong một ngày nhiều gió.
Như hôm nay.

Như hôm nào.
Trong một ngày nhiều gió. 
Người đến. 

Em đã say.
Như say cơn nắng làm cạn khô Biển Hồ.
Như nàng Apsara say vũ điệu tiên nữ.
Như Người say chén rượu chàng A Chớ, chiều xưa.

Mùa thu qua rồi
Hoa mua không còn nở
Để Người nhặt cánh mỏng làm môi son
Tình yêu cũng qua rồi
Như thể chưa bao giờ tồn tại

Em để Người lại
Với Huế
Một ngày mưa sầu tê
Câu hò bên sông lạc cung thương cung trầm
Em lạc mất Người
Lặng câm.
.........

Cảm ơn Người đã gọi cho em. Để em biết thời gian là điều kỳ diệu.
Tuy nhiên, những vết sẹo vẫn còn đây, vẫn nhói đau mỗi khi trời trở gió.
Thê nên hãy mang gió đi, trả lại em khoảng trời gợn xám.
Quá khó khăn để vượt qua, để bước tiếp, khi vừa bước qua một hố sâu, lại lọt vào một hố sâu khác, hun hút.
Em ước mình có thể cay nghiệt hơn thế.
Nhưng không ai có lỗi
khi rất nhớ
một người…

Em đã gói ngày xanh cất vào ngăn tủ cài khóa. 
Đừng dõi theo em, cuộc sống chật chội không còn chỗ dành cho Người, cho nhau.
Đừng quay đầu lại... 
Đừng quay đầu lại...
Đừng quay đầu lại...
Nghen!


20.6.11

My big Man



Vừng, anh ấy là một người rất đặc biệt, người đàn ông quan trọng nhất đời mình.

Chúng mình yêu nhau, nhưng chúng mình ít thể hiện ra bằng lời nói. Thời gian trôi qua, mình biết mình là cả thế giới của anh ấy, nhưng mình phớt lờ đi, cứ như đó là điều hiển nhiên không thể khác.

Nhưng hôm nay, mình phải nói đủ to để anh hiểu, anh cũng là cả thế giới của mình.

Mình đã từng thật xấu xí, rách việc và vô duyên, nhưng anh luôn mang mình theo bất kỳ nơi đâu có thể. Mình nhớ những khi cùng anh chạy vào những bản làng hút trong núi để cứu sống một con gấu mẹ, một con nai bị cưa sừng, và chia nhau thù lao là trái ổi to chín mọng. 

Những ngày hè theo anh đến chỗ làm. Mình chạy chơi lăn lóc ngoài cánh đồng, thả diều, bắt cào cào hoặc leo lên những ụ rơm to, chụm miệng réo tên anh inh ỏi.

Những khi đi xem phim cùng nhau, chừng vài phút thì mình đã ngủ, và anh phải công kênh mình về sau đó mà chưa khi nào phàn nàn hoặc bỏ mình ở nhà.

Có khi anh đặt mấy quyển sách viết về những điều mình ngại không muốn nói cùng nơi đầu giường, mình cứ bảo thật tào lao, nhưng thiệt ra mình trưởng thành hơn qua từng trang sách ấy.

Anh đã cho mình một tuổi thơ cổ tích, là chất liệu dệt nên cuộc sống đầy màu sắc đến mãi về sau.

Ngày mình rời xa anh và ngôi nhà thân thương, anh lặng thinh. Người đàn ông trong anh đã dũng cảm buông mình ra, gửi nơi mình ước mơ và khát vọng tuổi trẻ, về những điều anh chưa từng làm được. 

Những khi đời nổi cơn giông, mình tìm về mắt bão là anh, để lắng lòng và được tiếp thêm sức cho chặng đường phía trước.

Chúng mình quá giống nhau. Nên chúng mình hiểu nhau. Chúng mình rất hạnh phúc. Nhưng chúng mình cũng làm tổn thương nhau.

Mình luôn chọn con đường không như anh mong muốn. Những lo lắng và suy tư của anh cứ dày lên sau mỗi quyết định của mình. 

Mình làm khổ anh nhiều quá. Mình đớn đau trên nẻo đường tìm hạnh phúc bao nhiêu thì lòng anh oằn xuống nhiều lần hơn thế. Mình đã khóc vì người đàn ông khác trên vai anh, mà không thấy giọt nước mắt trong anh chảy ngược vào lòng. Anh chỉ cần thấy mình yêu đời và hạnh phúc, chỉ có thế, mà mình không làm được.

Nhưng cuộc sống là của mình, anh để mình tự bước đi. Anh chỉ luôn ở đó khi mình cần, nâng khi mình ngã, là bến đỗ bình yên.

Ba mươi năm rồi, từ ngày chúng mình có nhau. Anh đã đi quá nửa đời người và có ai nói với anh rằng anh rất quan trọng và được yêu thương bởi rất nhiều người, trong đó có mình, đứng ngay đầu hàng. Hôm nay mình xung phong, đại diện cả hàng phát biểu ngắn gọn và súc tích:

Chúc mừng Ba, nhân Ngày của Cha!
Con đã nói trong một lần nào đó, rằng nếu có nhiều kiếp sau, vẫn muốn được làm con của Ba thôi. Love you, so much!


18.6.11

Vỡ


Đêm
bên bờ sông
của ngày xưa
nước mắt rơi nhiều hơn mưa
vì người ta
không còn một mình
vì em
ảo tưởng
nghĩ mình
là không thể thay thế trong lòng một người
em đã
sai
ngay từ đầu…

14.6.11

Ku Tèo


Tèo đi vắng 3 ngày rồi.

Nhà mình giờ chỉ còn có chị.
Không ai đánh thức chị mỗi sáng.
Không ai gào gọi mừng rỡ mỗi khi nghe tiếng chị mở cổng nhà, kêu “Tèo ơi!”
Không ai lí lắc cùng chị đung đưa võng lúc chiều về.
Đã 3 ngày rồi, chị chưa quen với nỗi trống trải này.

Chị biết Tèo không thích Sài gòn tí nào. Ngày ngồi xe rời núi, Tèo lặng thinh. Không thèm ăn gì, kể cả món bắp non khoái khẩu. Nhưng chị rất muốn ở cùng Tèo, đã năn nỉ thằng Hí gãy lưỡi nó mới chịu rời Tèo ra để Tèo đi cùng chị. Chị đã ừa trước một tá điều kiện vừa tào lao, vừa khó nhằn của nó. Dù sao thì nó cũng ở cạnh Tèo từ lúc Tèo còn đỏ hỏn mà.

Có Tèo nhà mình vui hẳn lên. Mọi người trong xóm chào đón Tèo nồng hậu quá cỡ, nhất là mấy nhóc tì. Ai cũng khen Tèo đẹp trai, hoạt bát và dạn dĩ. Tèo thường gục gặc khi có ai xoa đầu, trông rất kiểu cách và buồn cười. Khi chị đi vắng, hàng xóm vẫn qua réo Tèo để chọc giỡn. Tèo ở trên lầu 3 nhưng cũng la làng vọng xuống, rất là “bà tám”.

Chị không có nhiều thời gian dành cho Tèo. Nhưng Tèo rất quấn chị. Mỗi khi có chị ở nhà thì Tèo cứ đi tới đi lui bên cạnh, như con chó con.

Chị thật thích những lúc ngồi gặm bánh mì ngắm Tèo chăm chỉ ăn sáng, lúc ngó Tèo tắm điệu đà, lúc mê đọc sách, nhìn lén qua thấy Tèo đứng im, lim dim ngủ.

Chị cũng thích những sáng chủ nhật trời trong, đạp xe chở Tèo ra cà phê bệt cạnh nhà thờ Đức Bà. Mà người ta nhìn thấy Tèo thì thôi rồi, xúm lại hết khen rồi giành nhau chơi với Tèo, chụp hình Tèo. Mà Tèo cũng lắm trò, kiểu gì cũng chơi tới, kể cả hút thuốc. Nói chung trong bất cứ đám đông nào Tèo cũng thành ngôi sao. Nhưng Tèo thường la lối ầm ĩ, chộn rộn giữa đám đông, cái kiểu gây sự chú ý, nên mình vào quán sang sang hoặc yên tĩnh thì không hợp, thường bị đuổi ra, lúc đó chị bực Tèo dữ lắm.

Tèo thích cây cối, thiên nhiên, nên chiều nào chị không cho ra công viên Tao Đàn chơi thì Tèo buồn thỉu thiu, cái tướng đi rầu rầu trông rất tội. Đi cùngTèo, có nhiều người đến làm quen và thành thân thiết, chị tự nhiên được ké, có thêm bạn, vài ngày không gặp Tèo ngoài đó là gọi điện réo rồi. Có người mang đồ ăn, có người mang lắc chân tặng Tèo. Có người chịu dẫn Tèo đi chơi giùm để chị đọc sách.

Như lúc chiều, đã có người gọi hỏi Tèo đâu hổm rày không thấy, chị ậm ừ không nói… Mà mắt thì ướt sũng rồi, nói làm sao…

Vì Tèo đi vắng 3 ngày rồi, không về, mãi mãi...

Đó là buổi sáng chị không nghe tiếng Tèo om sòm đánh thức như thường lệ. Lúc lên thì thấy Tèo đã quẹo cổ trong lồng. Con mèo hoang tinh quái đã mở cửa lồng, tát gãy cổ Tèo… chị không nhớ lúc đó mình đã làm gì. Có lẽ là ngồi nhìn Tèo hàng giờ, không dám tin là thật. Và rồi chị đã khóc như cơn mưa dài đêm trước đó. Với chị Tèo không chỉ là con két đáng yêu nhất trên đời, mà còn là bạn cùng nhà, bạn tâm giao, là cơn gió cuốn đi nỗi cô đơn thường vây lấy chị khi về đến ngôi nhà thinh lặng của tụi mình…

Chị đã để Tèo lại ở nơi Tèo thích đi dạo mỗi chiều.

Chị vẫn cố nghĩ rằng Tèo đang bay lượn ngoài đó, trong một hình dáng khác, nhưng nỗi mất mát này thực sự còn quá mới để quen.

Nhớ Tèo quá, Tèo ơi…